Thông tư hướng dẫn chi tiết việc cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam

Thông tư đã làm rõ thêm một số khái niệm về các hình thức người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, trong đó đáng chú ý nhất là định nghĩa về “nhà quản lý, giám đốc điều hành”, đây là những đối tượng làm việc chủ yếu tại các doah nghiệp Khu công nghiệp. Cụ thể, “nhà quản lý, giám đốc điều hành” là người lao động nước ngoài trực tiếp tham gia quản lý trong tổ chức, doanh nghiệp bao gồm việc chỉ đạo tổ chức, doanh nghiệp hoặc đơn vị trực thuộc tổ chức, doanh nghiệp đó; giám sát và kiểm soát công việc của các nhân viên chuyên môn, nhân viên quản lý hoặc nhân viên giám sát khác.

Về các thủ tục liên quan đến việc cấp Giấy phép lao động cho lao động nước ngoài, Thông tư cũng đã quy định chi tiết về Phiếu lý lịch tư pháp và văn bản xác nhận là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật như:

* Về lý lịch tư pháp:

- LĐNN đã cư trú  tại Việt Nam thì phải có Phiếu lý lịch tư pháp do Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia cấp và văn bản xác nhận không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự  theo quy định của pháp luật nước ngoài.

- LĐNN đang cư trú tại Việt Nam thì phải có Phiếu lý lịch tư pháp do Sở Tư pháp tỉnh, thành  phố trực thuộc  Trung ương cấp và văn bản xác nhận không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự  theo quy định của pháp luật nước ngoài.

- LĐNN chưa từng cư trú tại Việt Nam thì phải có văn bản xác nhận không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự  theo quy định của pháp luật nước ngoài.

* Văn bản xác nhận là quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật:

- Đối với nhà quản lý, giám đốc điều hành giấy tờ chứng minh là nhà quản lý, giám đốc điều hành gồm: giấy phép lao động hoặc hợp đồng lao động hoặc quyết định bổ nhiệm có xác định người lao động nước ngoài đó đã làm việc ở vị trí quản lý, giám đốc điều hành. Văn bản xác nhận là nhà quản lý, giám đốc điều hành do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mà người lao động nước ngoài đó đã từng làm việc xác nhận.

- Đối với chuyên gia: giấy tờ chứng minh có trình độ kỹ sư, cử nhân  trở lên hoặc tương đương và có ít nhất 5 năm làm việc trong chuyên ngành được đào tạo phù hợp với vị trí công việc dự kiến sẽ làm việc tại Việt Nam; hoặc văn bản xác nhận là chuyên gia do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc doanh nghiệp tại nước ngoài công nhận. 

- Đối tượng lao động kỹ thuật thì phải có: Giấy tờ chứng minh hoặc văn bản xác nhận  của cơ quan, tổ chức  có thẩm quyền hoặc doanh nghiệp tại nước ngoài tại doanh nghiệp tại nước ngoài về việc được đào tạo chuyên ngành kỹ thuật với thời gian ít nhất 1 năm và giấy tờ chứng minh đã có ít nhất3  năm lảm việc trong chuyên ngành  kỹ thuật  được đào tạo phù hợp với công việc sự kiến sẽ làm việc tại Việt Nam.

Thông  tư cũng quy định 02 trường hợp cấp lại giấy phép lao động gồm:

- Giấy phép lao  động bị  mất, hỏng;

- Thay đổi nội dung  ghi trên giấy phép lao động  đã cấp: họ, tên, ngày tháng năm sinh,  quốc tịch, số hộ chiếu, địa  điểm làm việc.

Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 10/3/2014. Thông tư này thay thế Thông tư số 31/2011/TT-BLĐTBXH ngày 03/11/2011 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 34/2008/NĐ-CP ngày 25 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ và Nghị định số 46/2011/NĐ-CP ngày 17 tháng 6 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2008/NĐ-CP ngày 25 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định về tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

                      Phòng Lao động (DIZA)